Vừa qua, đại diện Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết các quy chế về tuyển sinh đại học sẽ có những điểm mới trong dự thảo đã công bố trước đó. Cụ thể hơn, các hình thức về phương thức tuyển sinh đại học 2025 sẽ chặt chẽ hơn. Trong đó, hình thức xét tuyển sớm sẽ bỏ hoàn toàn.

Các yêu cầu và thay đổi đặc biệt cho kỳ thi THPT Quốc gia 2025

Các phương thức như xét học bạ, đánh giá năng lực vẫn được duy trì nhưng phải xét tuyển chung với điểm thi tốt nghiệp THPT, trừ trường hợp tuyển thẳng. Ngoài ra, quy chế tuyển sinh mới giới hạn điểm ưu tiên theo trường không vượt quá 10% tổng điểm xét tuyển, điểm ưu tiên khu vực và đối tượng tối đa 2,75 điểm nhưng tổng điểm sau ưu tiên không vượt quá 30. 

Thí sinh sử dụng nhiều tổ hợp môn xét tuyển phải có ít nhất một môn chung giữa các tổ hợp, chiếm tối thiểu 50% tổng điểm xét tuyển. Đối với phương thức xét học bạ, các trường đại học bắt buộc sử dụng kết quả cả năm lớp 12 thay vì chỉ lấy điểm từ 3 – 5 học kỳ như trước. Tất cả phương thức và tổ hợp xét tuyển đều phải đảm bảo tính công bằng.

Phụ huynh nói gì về việc Bộ Giáo dục bỏ xét tuyển sớm?

Quyết định bỏ phương thức xét tuyển sớm của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2025 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh. Một số người ủng hộ sự thay đổi này, trong khi nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng về tác động của nó đối với con em họ.

Anh Nguyễn Văn B – Phụ huynh có con học THPT lớp 12 tại Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với sự thay đổi này “Năm nay, tôi cũng có con chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia nên tôi khá quan tâm các phương thức tuyển sinh Đại học. Con trai tôi dự định theo ngành Công nghệ Thông tin – một ngành đang rất hot. Vì thế tôi nghĩ rằng việc bỏ phương thức xét tuyển sớm sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng, giảm tâm lý lo lắng khi thấy bạn bè đã có kết quả trước.”

                                                                                      Anh Nguyễn Văn B – Phụ huynh học sinh THPT

Ngược lại với quan điểm của anh Nguyễn Văn B, chị Hoàng Thị N cho rằng: “Việc từ bỏ xét tuyển sớm làm cho học sinh không còn yên tâm khi nhiều em học sinh đang chuẩn bị cho những kỳ thi chứng chỉ và đánh giá năng lực với mong muốn được xét tuyển sớm, trúng tuyển sớm . Các em phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để có được một nguyện vọng trúng tuyển Đại học sớm. Nghe thấy con gái chia sẻ rằng cháu muốn học ngành Truyền thông Đa phương tiện  nhưng ngành này có đông sinh viên cạnh tranh, nên tôi cũng đăng ký cho con một khóa học IELTS. Tôi sợ rằng con sẽ bị áp lực khi chỉ tập trung kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia.”

Chị N chia sẻ thêm rằng: “Gần đây, báo chí đưa tin là nhiều cháu học sinh đăng ký thi đánh giá năng lực rất khó khăn, không đăng ký được để đi thi. Một phần lớn, nhiều trường Đại học chưa công bố phương án quy đổi điểm thi xét tuyển chung nên nhiều phụ huynh vẫn phải cho các cháu thi đánh giá năng lực để gia tăng  cơ hội xét tuyển và trúng tuyển đại học. Vì vậy việc Bộ Giáo dục loại bỏ phương thức xét tuyển sớm ngay trong khi các con đã dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi đánh giá năng lực cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội và mục tiêu của học sinh. Nếu Bộ Giáo dục công bố bỏ xét tuyển sớm cho năm sau, lứa học sinh 2008, thì các con sẽ có tâm lý tốt hơn”

                                                                            Chị Hoàng Thị N – Phụ huynh học sinh tại Hà Nội

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đưa ra lời khuyên dành cho phụ huynh và thí sinh xét tuyển Đại học năm 2025: “Về đề án tuyển sinh cụ thể của các trường đại học chưa được công bố là do phải chờ Bộ GD & ĐT ban hành chính thức Quy chế tuyển sinh 2025. Nhưng các phương án tuyển sinh thì đa số các trường đã công bố. Hầu như các trường này đều giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng (theo quy định của Bộ); xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp thường gồm 2 nhóm đối tượng:

Nhóm 1: Thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế SAT/ACT, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Có thể xét riêng hoặc kết hợp với kết quả học tập THPT

– Nhóm 2: Thí sinh xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TPHCM; điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc các Trường tổ chức thi riêng theo đặc thù.

Các trường thương hiệu tốt có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà tăng chỉ tiêu cho phương thức xét kết hợp, xét bằng kết quả Đánh gia năng lực, đánh giá tư duy vì thực tế 2 nhóm thí sinh trên qua các kỳ thi đó được phân hóa khá cao, phù hợp với việc tuyển chọn những thí sinh giỏi nhất vào trường. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và cũng chọn được thí sinh giỏi, các trường này vẫn để một số chỉ tiêu cho xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT (cho các em cũng học giỏi nhưng không có điều kiện để tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế, hoặc thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy).

Như vậy, các thí sinh có điều kiện vẫn yên tâm tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế, kỳ thi đánh giá năng lực để tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các ngành học, các trường mà các em yêu thích.

Vấn đề thứ 2 là tác động tâm lý khi không còn xét tuyển sớm. Đây là 2 mặt của một vấn đề trong xã hội.  Khi thí sinh đã trúng tuyển vào một trong các trường, thì có tâm lý thoải mái hơn trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn thí sinh chưa trúng tuyển, hoặc chưa có điều kiện xét tuyển sớm thì tâm lý lại lo lắng so với bạn bè. Điều này cũng không có gì hay cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thực tế mà nói những thí sinh có kết quả cao trong các kỳ thi, kiểu gì thì sớm hay muộn các em cũng sẽ đạt được nguyện vọng của mình là vào đại học với các ngành, trường danh tiếng. Như vậy, các em hãy phấn đấu cho kết quả của các kỳ thi mà các em tham gia tốt nhất có thể.

Các vị phụ huynh không nên quá lo lắng, với chủ trương bỏ xét tuyển sớm Đại học, các con vẫn sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng và chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học sẽ đảm bảo cao nhất quyền lợi của các thí sinh. Việc cần làm hiện nay là phụ huynh động viên các con ôn tập tốt và có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, để lấy các chứng chỉ phục vụ cho xét tuyển đại học của nhiều trường và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Khi các trường Đại học ban hành đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh cần nghiên cứu kỹ và lựa chọn các phương thức xét tuyển có ưu thế nhất đối với con em mình để nộp hồ sơ với nguyên tắc chọn: ngành học yêu thích, trường đại học yêu thích và phù hợp với năng lực học tập của các con.”

Kết luận

Việc Bộ Giáo dục bỏ phương thức xét tuyển sớm đang tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau trong cộng đồng phụ huynh. Dù đồng tình hay phản đối, nhìn chung các phụ huynh đều mong muốn một kỳ tuyển sinh công bằng nhưng không quá áp lực cho con em mình. Nhiều phụ huynh hy vọng Bộ Giáo dục sẽ có những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Đồng thời giúp các em có lộ trình ôn tập rõ ràng, giảm bớt căng thẳng trong kỳ thi quan trọng sắp tới.