Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang khẳng định vị thế trong thời đại số, nhưng đâu là “chìa khóa” để biến lĩnh vực đầy thách thức này thành một đồ án tốt nghiệp 10 điểm tuyệt đối? Nguyễn Trung Kiên – sinh viên duy nhất chạm mốc tuyệt đối trong đồ án tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – sẽ “giải mã” bí quyết phía sau thành công.

                                                                                    Nguyễn Trung Kiên – sinh viên D20, ngành Công nghệ thông tin,
                                                                                                   Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Trong môi trường đại học, hầu hết sinh viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của điểm trung bình tích lũy (GPA) – yếu tố thể hiện năng lực học thuật và thường được các nhà tuyển dụng xem xét đầu tiên. Tuy nhiên, bên cạnh GPA, nhiều doanh nghiệp còn chú trọng đến tính thực tiễn và khả năng triển khai của đồ án tốt nghiệp. Không ít sinh viên xem việc chọn đề tài, lập kế hoạch và viết đồ án như một nỗi ám ảnh, bởi quá trình đó đòi hỏi sự tổng hợp kiến thức, đầu tư nghiên cứu và sáng tạo không ngừng.

Bước khởi đầu: Chọn đề tài đúng đam mê và định hướng

Trong bối cảnh trên, một đề tài thuộc lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) – vốn “hot” nhưng cũng nổi tiếng là đòi hỏi cao về kiến thức và tư duy sáng tạo – hành trình biến ý tưởng thành đồ án hoàn chỉnh sẽ càng khó khăn gấp bội. Đối với Nguyễn Trung Kiên – tác giả đồ án 10 điểm mang tên “Xóa hoàn toàn và hiệu quả những nội dung con trong mô hình khuếch tán chuyển văn bản qua hình ảnh bằng phương pháp ánh xạ không gian con” thì niềm đam mê với AI đã manh nha từ năm nhất. 

                                                                       Nguyễn Trung Kiên (bên trái) đã manh nha niềm yêu thích với AI từ năm đầu đại học

“Ngay từ năm đầu, tôi đã bị cuốn hút bởi cách họ dùng các kiến thức Toán học như đạo hàm, nhân ma trận… để giải quyết những bài toán AI. Từ lúc đó, tôi xác định AI chính là lĩnh vực tương lai mà mình muốn gắn bó”, Kiên chia sẻ. Chính sự đam mê sớm này đã giúp Kiên kiên trì đến cùng, dù biết trước không ít khó khăn đang chờ đợi.

Những đêm không ngủ và những thí nghiệm thất bại liên tiếp 

Do đề tài nghiên cứu hoàn toàn mới, cậu sinh viên gần như không có sẵn phương pháp hay công thức để tham khảo. Thay vào đó, Kiên phải tự phân tích các cách tiếp cận trước đây, vừa tìm hiểu nguyên nhân khiến chúng gặp hạn chế, đồng thời rút ra những điểm mạnh để cải tiến. Trong suốt quá trình, số lần thử nghiệm thất bại chiếm đến 95%.

Tuy nhiên, chính chuỗi thí nghiệm liên tiếp không thành công lại mang đến cho Kiên những bài học quý báu, giúp anh kiên trì điều chỉnh để cuối cùng tìm ra giải pháp tối ưu. Không chỉ hoàn thiện đồ án tốt nghiệp sớm, Kiên còn chuyển kết quả nghiên cứu thành bài báo khoa học “SuMa: Complete and Effective Erasure of Narrow Concepts in Text-to-Image Diffusion Models with a Subspace Mapping Approach” và gửi tới Hội nghị ICCV 2025 – hội nghị thuộc hàng top về thị giác máy tính trong trí tuệ nhân tạo. Việc xuất phát sớm tạo lợi thế về thời gian, mở ra cơ hội được cộng điểm và đánh giá cao hơn từ hội đồng chấm thi.

Ba giai đoạn thực hiện đồ án

Chia sẻ về quá trình làm đồ án, Kiên chia công việc thành ba giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (1 tháng đầu): Tập trung đọc tài liệu, tìm hiểu và phân tích các nghiên cứu liên quan. Từ đó, rút ra điểm mạnh, điểm yếu và lý giải vì sao những phương pháp này không thể áp dụng trọn vẹn cho bài toán của mình.
  • Giai đoạn 2 (4 tháng tiếp): Đây là giai đoạn thực nghiệm, bắt đầu thử nghiệm các ý tưởng dựa trên bài học từ giai đoạn 1. Mỗi thí nghiệm, Kiên đều ghi chép tỉ mỉ cách thực hiện, phân tích ưu – nhược điểm. Nếu thí nghiệm chưa thành công, chàng trai sẽ đặt câu hỏi để tìm ra khoảng trống cần bổ sung, từ đó ngày càng tiệm cận lời giải.
  • Giai đoạn 3 (1 tháng còn lại): Giai đoạn đóng gói nội dung, tập trung viết và hoàn thiện đồ án. Kiên áp dụng phương pháp chia nhỏ khối lượng công việc: viết một phần mỗi ngày, hôm sau đọc lại và chỉnh sửa để đảm bảo tính logic, mạch lạc.

PGS. TS. Phạm Văn Cường – Trưởng khoa Trí tuệ nhân tạo, Trưởng Phòng thí nghiệm nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo PTIT.AI đánh giá: “Đồ án của Kiên đã giải quyết bài toán kiểm soát được nội dung sinh ra bởi GenAI – một vấn đề mới có tầm ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng GenAI đối với mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra, đồ án đã đề xuất một phương pháp xóa nội dung xấu độc sinh ra bởi GenAI một cách tự động bằng ánh xạ không gian con (đưa các đối tượng cần xóa sang một không gian khác rồi kiểm chứng). Đó là phương pháp hoàn toàn mới và hiệu quả đã được chứng minh tốt hơn các phương pháp hiện nay.”

Chính Kiên cũng nhìn nhận rõ yếu tố tạo nên sức bật cho mình: “Ba điểm mấu chốt để có được đồ án tốt nghiệp đạt điểm cao là xác định đề tài nghiên cứu sớm, luôn chủ động giao tiếp với giảng viên hướng dẫn, và quan trọng nhất là kiên trì chăm chỉ trong suốt quá trình.”

Sau khi gặt hái thành tích đáng tự hào, chia sẻ về dự định tương lai, Kiên cho biết anh sẽ tiếp tục công tác trong vị trí Research Resident tại VinAI, đồng thời ấp ủ kế hoạch học lên tiến sĩ, trở thành giảng viên và quay lại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để truyền lửa, đóng góp cho thế hệ sinh viên kế cận.

Đồ án AI đạt 10 điểm tuyệt đối của Nguyễn Trung Kiên là minh chứng cho việc thành công đòi hỏi sự kết hợp khéo léo giữa đam mê, nền tảng kiến thức và tư duy giải quyết vấn đề. Dù GPA phản ánh năng lực học tập, nhưng chính đồ án tốt nghiệp – đặc biệt khi có tính thực tiễn và sáng tạo – mới là “chìa khóa vàng” để sinh viên gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng. Câu chuyện của Kiên cho thấy: khi dám dấn thân, nỗ lực đến cùng, thành quả sẽ xứng đáng với hành trình gian nan đã trải qua.