Ngày 27/02/2025, Chính Phủ đã ban hành Quyết định số: 452/QĐ-TTg về việc Phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vinh dự là 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học được định hướng phát triển trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm Quốc gia về kỹ thuật, công nghệ có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực.

Trong suốt hành trình đào tạo và dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tạo được tiếng vang với vô vàn sự công nhận. Năm 2013, PTIT được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là  là một trong bảy trường đại học đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin trọng điểm quốc gia. Tới năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông  là một trong năm trường đại học thuộc liên minh các cơ sở giáo dục đào tạo ngành vi mạch bán dẫn. Trong năm 2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT)  đã được công nhận là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Tất cả những thành tựu trên là nhờ những sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Học viện. 

Khi được hỏi về những yếu tố đặc biệt để Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trở thành 1 trong 5 cơ sở giáo dục trọng điểm Quốc gia về Kỹ thuật Công nghệ, PGSTS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã nhấn mạnh về sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã là nền tảng để Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đổi mới, phát triển quy mô và xây dựng nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo theo nghị quyết số 57. 

PGSTS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Cơ sở đào tạo với các ngành học đa dạng, xu hướng phát triển dài lâu

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) hiện có 09 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp gần 30 ngành và chương trình đào tạo đại học, cùng với 10 chương trình đào tạo sau đại học. Đặc biệt, Học viện còn thiết lập 03 văn phòng hợp tác nghiên cứu tại Nhật Bản và Hàn Quốc, phục vụ cho gần 30.000 sinh viên đang theo học.

PTIT tự hào là trường đại học công lập hàng đầu trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho kỷ nguyên số, với các chương trình đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như Công nghệ thông tin, Điện tử, Viễn thông, Trí tuệ nhân tạo, Vi mạch bán dẫn, An toàn thông tin, Khoa học Máy tính và Kỹ thuật dữ liệu. Học viện cũng tiên phong trong việc mở ra các ngành đào tạo liên ngành lần đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm Công nghệ Đa phương tiện, Công nghệ tài chính, Thiết kế và Phát triển Game, Công nghệ Internet Vạn vật và Truyền thông Đa phương tiện,..Trong năm 2025, Học viện là trường Đại học đầu tiên thành lập Khoa Trí tuệ nhân tạo (AI), năm 2025 Học viện cũng sẽ ban hành và tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo về Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ vi mạch bán dẫn, AIoT (hội tụ giữa trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật). 

                                                                               Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở miền Bắc tại Hà Nội

Môi trường học tập năng động, cơ sở vật chất hiện đại

PTIT là môi trường học tập năng động, sáng tạo với các thế hệ sinh viên năng động, nhiệt huyết. Các hoạt động ngoại khóa, Câu lạc bộ kỹ năng luôn là những yếu tố được sinh viên tìm kiếm, tham gia. Đặc biệt, các sự kiện kết nối sinh viên, các hoạt động chào mừng ngày lễ, các cuộc thi và học bổng trao đổi nước ngoài luôn được sinh viên quan tâm.

                                                                  Sinh viên PTIT tham gia Ngày hội “Gắn kết vùng miền 2025” tại cơ sở Hòa Lạc

                                                  PTIT vô địch Toàn quốc – Giải thể thao sinh viên Việt Nam VUG lần thứ 10 – Bộ môn bóng đá 7 người

Tại đây, các phòng thí nghiệm và phòng lab được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ tiên tiến, cho phép sinh viên thực hành và trải nghiệm trực tiếp với các công nghệ mới nhất. Học viện hợp tác với nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Samsung, NAVER, FPT, Viettel, NTT và Rạng Đông để xây dựng các phòng lab mô phỏng chuyên nghiệp, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thư viện của Học viện không chỉ là nơi lưu trữ sách và tài liệu học tập truyền thống mà còn được thiết kế với các tài nguyên tri thức vô tận. Hệ thống thư viện điện tử và Cổng tri thức số phong phú cho phép sinh viên truy cập hàng triệu tài liệu, bài báo, bài giảng và nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu hiệu quả. Không gian thư viện được bố trí thoải mái, với nhiều khu vực đọc sách yên tĩnh, tạo điều kiện lý tưởng cho sinh viên tập trung học tập. Hệ thống thực hành ảo Dlab với hơn chục triệu lượt bài tập được thực hiện trên hệ thống giúp cho sinh viên thành thạo các kỹ năng chuyên môn mọi lúc, mọi nơi và không bị phụ thuộc vào lịch thực hành trên giảng đường và sự dẫn dắt của giảng viên.

Ngoài ra, khuôn viên PTIT còn có các khu vực thể thao và giải trí, giúp sinh viên thư giãn và tham gia các hoạt động ngoại khóa, tạo sự cân bằng giữa học tập và giải trí. Hệ thống wifi miễn phí với tốc độ cao được phủ sóng toàn bộ khuôn viên, giúp sinh viên dễ dàng kết nối và học tập trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Các phòng học đều trang bị TV và màn hình kết nối cùng với loa âm thanh và nhiều thiết bị điện tử khác.

                                                                                   Phòng thực hành ngành học “Phát triển Game” tại Học viện

PGS.TS Đặng Hoài Bắc chia sẻ thêm rằng: “Học viện vừa công bố kế hoạch đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo công nghệ số trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Từ năm 2025, Học viện dự kiến sẽ dành từ 3%-5% doanh thu để nâng cấp trang thiết bị nghiên cứu khoa học. Điều đặc biệt là Học viện sẽ kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để thành lập phòng nghiên cứu, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu khởi nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ lớn sẽ được khuyến khích đặt trung tâm nghiên cứu ngay tại Học viện, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận công nghệ tiên tiến ngay từ giảng đường. Ngày 10/3 vừa qua, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) vừa công bố vai trò dẫn dắt trong việc thành lập Trung tâm Công nghệ Chiến lược Australia-Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đặt tại cơ sở đào tạo Hà Nội của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.”

Cơ hội ngành nghề tương lai mở rộng cho sinh viên

Học viện đang nỗ lực hình thành hệ sinh thái số giúp kết nối sinh viên, doanh nghiệp và xã hội, mở ra cơ hội nghề nghiệp từ năm đầu tiên. Nhờ vào nền tảng số được cá thể hóa bởi trí tuệ nhân tạo, sinh viên sẽ nhận được định hướng học tập và nghiên cứu phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Trong năm 2025, Học viện dự kiến sẽ cử 100 sinh viên xuất sắc ra nước ngoài thực tập, bao gồm 3 nhóm khởi nghiệp. Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ đào tạo nhân lực công nghệ số sẽ được thành lập nhằm thúc đẩy mô hình “xuất khẩu tri thức”, qua đó nâng cao vị thế nguồn nhân lực Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

      Sinh viên PTIT tại Phòng Nghiên cứu và Đào tạo tại Nhật Bản trong chương trình Trao đổi Đại học ngắn hạn Đại học Gumma, Nhật Bản

Học viện sẽ xây dựng và triển khai các chương trình hành động để trở thành Hub nhân lực toàn cầu về Công nghệ số, từng bước cung cấp nhân lực CLC theo yêu cầu chuyên biệt cho các doanh nghiệp và các nước, khu vực như Hàn quốc Nhật bản châu Âu, Mỹ tiến tới mô hình xuất khẩu tri thức để lan tỏa ảnh hưởng của Việt Nam trong bản đồ công nghệ thế giới. Trong năm 2025, Học viện sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên chương trình Liên kết đào tạo quốc tế học theo hình thức từ xa trên nền tảng Đại học Hội tụ Ảo giữa Học viện và Đại học hàng đầu Chung Ang Hàn Quốc. 

                                       Sinh viên PTIT thắng lớn tại cuộc thi Huawei ICT Competition 2024 – 2025 khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Giảng viên nhiều kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao

Với sự phát triển tất cả các khía cạnh trên cũng yêu cầu những giảng viên với những trình độ chuyên môn cao tại Học viện. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tự hào sở hữu đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm lâu năm và trình độ chuyên môn cao. Nhiều giảng viên tại Học viện đã học tập và nghiên cứu tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, mang đến những kiến thức và phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với xu hướng toàn cầu. 

  Giảng viên PTIT với nhiều kinh nghiệm lâu năm

Đặc biệt, giảng viên của PTIT không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức lý thuyết mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm riêng. Nhiều sản phẩm công nghệ được phát triển từ các dự án nghiên cứu của giảng viên đã nhận được sự công nhận và ứng dụng trong thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế của Học viện trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ kỹ thuật. Ngoài các giảng viên chuyên môn cao, Học viện sẽ đẩy mạnh các chuyên gia trong ngành để giúp sinh viên phát triển và tiếp thu với thực tiễn, đặc biệt là ngành học Trí tuệ Nhân tạo (AI) Công nghệ Chip Bán dẫn. Học viện còn đẩy mạnh các chương trình đào tạo nhân tài cho giảng viên trẻ và sinh viên xuất sắc, hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nền kinh tế số.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được công nhận là cơ sở giáo dục trọng điểm về kỹ thuật, công nghệ không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Học viện, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên  Với cơ sở vật chất hiện đại, môi trường học tập năng động và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, PTIT cam kết cung cấp cho sinh viên một nền tảng vững chắc để phát triển kỹ năng và kiến thức, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày càng cao và xu hướng tương lai đối với việc góp phần phát triển đất nước, xã hội.