Trao đổi sinh viên quốc tế không chỉ là một cơ hội học tập mà còn là cánh cửa đưa sinh viên PTIT đến với những chân trời tri thức và văn hóa mới. Các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế không chỉ giúp các bạn trẻ mở rộng tư duy, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ mà còn xây dựng mạng lưới quan hệ toàn cầu và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, trải nghiệm học tập tại nước ngoài chính là chìa khóa giúp sinh viên PTIT trang bị hành trang vững chắc, tự tin chinh phục những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc tham gia các chương trình trao đổi sinh viên ngày càng trở nên phổ biến và không còn giới hạn ở sinh viên năm cuối hay các chương trình học dài hạn. Với Văn phòng Liên kết đào tạo SCU – PTIT tại Đại học Seoul Cyber (SCU), Hàn Quốc và Văn phòng hợp tác nghiên cứu và đào tạo tại Đại học Gunma (GU), Nhật Bản; sinh viên PTIT ngày càng có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật và trải nghiệm môi trường học tập quốc tế ngay từ những năm đầu đại học.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chứng kiến và chúc mừng khai trương Văn phòng Liên kết đào tạo SCU – PTIT tại đại học Seoul Cyber (SCU)

Chủ tịch Hội đồng Học viện và đại diện lãnh đạo các đơn vị, khoa, phòng, ban chức năng tại Văn phòng hợp tác Nghiên cứu và Đào tạo của PTIT tại Nhật Bản

Chương trình Học bổng Sakura nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Đại học Gunma (Nhật Bản), dành cho các học viên, sinh viên thuộc khối ngành kỹ thuật Học viện. Được triển khai từ năm 2023, đến nay hơn 20 sinh viên đã được tham gia các khóa học ngắn tại Nhật Bản sẽ được tài trợ hoàn toàn chi phí vé máy bay hai chiều, chi phí ăn ở và đi lại tại Nhật Bản.

Sinh viên PTIT nhận chứng chỉ do Hiệp hội học bổng Khoa học Sakura thuộc bộ Giáo dục Nhật Bản cấp

Cơ hội dành cho những ai dám thử thách

Trong kỳ trao đổi sinh viên tại Nhật Bản từ ngày 21/02 – 27/02/2025 theo chương trình học bổng Sakura, Đỗ Nguyễn Minh Quân – sinh viên năm hai, Khoa Điện tử Viễn thông 1, là một trong bốn đại diện xuất sắc của PTIT. Với thành tích học tập ấn tượng và sự năng động trong các hoạt động ngoại khóa, Quân không chỉ có cơ hội học tập tại Nhật Bản mà còn tiếp thu những bài học quý giá về tư duy, văn hóa và phong cách làm việc.

Đỗ Nguyễn Minh Quân – sinh viên năm hai, Khoa Điện tử Viễn thông 1, là một trong bốn đại diện xuất sắc của PTIT.

Chia sẻ về bí quyết săn học bổng trao đổi quốc tế, cậu sinh viên nhấn mạnh: “Nhiều bạn nghĩ phải thật xuất sắc mới dám ứng tuyển, nhưng thực tế không phải vậy. Hãy cứ mạnh dạn nộp hồ sơ! Khi bạn nộp, bạn đã có cơ hội được xét duyệt rồi. Nếu không thử, cơ hội sẽ bằng không.”

Bên cạnh điểm GPA và kỹ năng ngoại ngữ, các hoạt động ngoại khóa cũng là yếu tố quan trọng giúp sinh viên nổi bật khi ứng tuyển. Đỗ Nguyễn Minh Quân sở hữu một hồ sơ ấn tượng:

  • Chứng chỉ TOEIC 810 
  • Sinh Viên 5 Tốt 2023-2024
  • Thành viên LCK Viễn Thông 1 và CLB GDGoC-PTIT.
  • Giải Ba P-Innovation 2024 với đề tài: “Machine Learning Antenna” – một cuộc thi công nghệ sáng tạo của PTIT
  • Top 40 chương trình Seed For The Future 2024 của Huawei.
  • Giải Nhì VietFuture Awards 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức với đề tài: Machine Learning Antenna for Smart city”.
  • Tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) và có báo cáo năm 2024 với đề tài: “Nghiên cứu hệ thống thu hoạch năng lượng từ sóng Wi-Fi”
  • Hỗ trợ các sự kiện công nghệ lớn như: FOSSASIA 2024, Google I/O Extended 2024, Devfest 2024.
  • Đã hoàn thành các khóa học Google AI Essentials và Google IT Support trên Coursera.

Trải nghiệm tại Nhật Bản: Không chỉ là học thuật, mà còn là bài học về văn hóa và con người

Chuyến trao đổi không chỉ là cơ hội học tập mà còn là hành trình khám phá một nền văn hóa mới. Trong số các hoạt động đáng nhớ, Quân đặc biệt ấn tượng với cuộc thi lập trình Robot đá bóng, nơi sinh viên PTIT cùng các bạn Nhật Bản và Thái Lan tranh tài. Trải nghiệm làm việc nhóm trong môi trường đa quốc gia giúp cậu nâng cao tư duy sáng tạo và kỹ năng giao tiếp quốc tế.

Quân có cơ hội ghé thăm nhiều địa điểm ở Nhật Bản

Một điểm nhấn khác là sự hiếu khách và tận tâm của giảng viên Đại học Gunma. “Trường rất rộng và hiện đại. Các thầy cô, đặc biệt là thầy Yamada – người trực tiếp hướng dẫn tụi em, vô cùng nhiệt tình. Gunma cách Tokyo 120km, em thấy thành phố rất yên bình và xinh đẹp, là môi trường học tập .môi trường lý tưởng để tập trung nghiên cứu và học tập.” Quân cũng chia sẻ về cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Gunma, nơi có hơn 10 anh chị đang học thạc sĩ và tiến sĩ, tạo nên một không gian thân thuộc giữa lòng Nhật Bản.

Yamada (thứ 3, từ phải sang), Phụ trách Hợp tác Quốc tế Đại học Gunma, TS Mai Thị Nghĩa (thứ 3, từ trái sang) – phụ trách bộ môn Điều khiển và tự động hóa, Khoa Kỹ thuật Điện tử 1 và các sinh viên PTIT tại Đại học Gunma

Bên cạnh chuyên môn, Quân còn học được những bài học sâu sắc về văn hóa và phong cách làm việc của người Nhật: “Người Nhật rất tỉ mỉ, chỉnh chu trong từng cử chỉ, hành động. Sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao của họ thực sự khiến mình ngưỡng mộ. Quan trọng hơn cả, mình có thêm những người bạn quốc tế đáng quý, nhiệt tình và hiếu khách.”

Trải nghiệm ngắn – Bước đệm lớn

Dù chỉ kéo dài một tuần, chuyến trao đổi tại Nhật Bản đã để lại dấu ấn sâu sắc, truyền cảm hứng để Quân tiếp tục theo đuổi con đường học tập và làm việc tại Nhật trong tương lai. “Mình đặt mục tiêu học tiếng Nhật để có thể quay lại Nhật Bản, có thể là với tư cách một sinh viên sau đại học hoặc một kỹ sư làm việc tại đây.”, Quân chia sẻ.

Chuyến đi trao đổi tại Nhật Bản của Đỗ Nguyễn Minh Quân là một minh chứng rõ ràng cho việc chỉ cần chủ động và sẵn sàng học hỏi, sinh viên PTIT hoàn toàn có thể khám phá thế giới ngay từ năm 2. Không chỉ là một chương trình học thuật, chuyến trao đổi còn là cơ hội để sinh viên phát triển tư duy, mở rộng mối quan hệ và học hỏi từ một nền văn hóa tiên tiến.

Được biết, trong những năm vừa qua, hàng năm đều có khoảng 50 sinh viên được tham gia các hoạt động trao đổi sinh viên ngắn hạn tại nước ngoài. Cùng thời điểm đoàn sinh viên Học viện sang học tập tại Nhật Bản, Học viện cũng đón 4 sinh viên Đại học Gunma, 10 sinh viên Viện Công nghệ Fukuoka Nhật Bản (FIT) sang học tập theo ngành Tự động hóa, Robotics, CNTT định hướng ứng dụng tại Học viện. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) luôn khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế – một chiến lược quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế của nhà trường trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông. Với những chương trình như vậy, sinh viên PTIT không chỉ được trang bị hành trang tri thức mà còn có cơ hội viết nên câu chuyện riêng, sẵn sàng “chinh phục” thế giới ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.